Chuyển đổi số công chứng: Nhu cầu cấp bách, xu thế tất yếu

(Chinhphu.vn) - Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến nhân dân về Luật Công chứng (sửa đổi). Một trong những vấn đề được cử tri và dư luận quan tâm là chuyển đổi số trong hoạt động công chứng, đáp ứng yêu cầu của tiễn cuộc sống đang đặt ra.

08/11/2023  09:44
Chuyển đổi số công chứng: Nhu cầu cấp bách, xu thế tất yếu - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam Nguyễn Trí Hòa - Ảnh: VGP

Nhu cầu cấp bách, xu thế tất yếu

Theo Bộ Tư pháp – Cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Công chứng (sửa đổi), một trong số các định hướng lớn đặt ra khi sửa đổi Luật Công chứng 2014 là "xây dựng cơ sở pháp lý chuyển đổi số hoạt động công chứng". Theo đó, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) bước đầu cụ thể hóa nội dung này, bởi đây là nội dung mới, nhận được sự chú ý đặc biệt không chỉ của người dân, công chứng viên mà đối với cả cơ quan quản lý nhà nước.

Sau 8 năm thi hành Luật Công chứng, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động công chứng tuy đã được thực hiện nhưng mới chỉ là bước đầu, chưa tương xứng với sự phát triển các nhu cầu giao dịch dân sự, kinh tế và sự chuyển đổi mạnh mẽ trong các lĩnh vực liên quan.

Đến nay, việc xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng tại các tỉnh, thành phố vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc, chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu công chứng thống nhất trong cả nước, việc kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu công chứng với các cơ sở dữ liệu có liên quan chưa được thực hiện.

Do đó, theo các chuyên gia, chuyển đổi số hoạt động công chứng là việc tất yếu và không thể né tránh. Nhiều văn bản được ban hành trong thời gian gần đây thể hiện rõ quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc chuyển đổi số nhằm bắt kịp với thế giới trong thời đại công nghệ 4.0. Các văn bản này đã xác định những nội dung quan trọng, trong đó vạch rõ mục tiêu và lộ trình cho việc chuyển đổi số, nhiệm vụ trọng tâm quốc gia, nhiệm vụ trọng tâm của các bộ, ngành, địa phương trong từng giai đoạn cụ thể.

Nhu cầu của xã hội đòi hỏi hoạt động công chứng phải chuyển đổi số là rõ ràng. Chị Lê Thị Dung, quận Hà Đông, TP. Hà Nội cho biết: Chồng tôi là quân nhân, công tác ở một tỉnh phía Nam, chúng tôi có nhu cầu mua một căn nhà ở Hà Nội. Khi chồng tôi đến phòng công chứng để làm thủ tục ủy quyền cho tôi thay mặt anh thực hiện việc mua nhà tại Hà Nội, công chứng viên đề nghị xuất trình bản chính sổ đỏ của căn nhà chuẩn bị mua. Điều này là bất khả thi, không ai đồng ý cho chúng tôi mượn sổ đỏ để đi giao dịch trong trường hợp này. Vì vướng bận công việc không thể về Hà Nội, chồng tôi đã đề nghị với công chứng viên khi giao dịch mua bán nhà, anh sẽ livestream, ký hợp đồng, sau đó gửi văn bản về Hà Nội cho tôi và bên bán ký tiếp, nhưng công chứng viên từ chối yêu cầu đó vì pháp luật chưa cho phép thực hiện giao dịch công chứng mua bán từ xa.

"Tại sao chúng ta nhập khẩu hàng hóa bằng việc ký kết các hợp đồng từ xa với giá trị rất lớn mà công chứng lại không cải tiến để làm được, việc đó khó đến vậy sao?", chị Dung đặt vấn đề.

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam Nguyễn Trí Hòa, thành viên Ban soạn thảo Luật Công chứng (sửa đổi), nhiều nước trong liên minh công chứng quốc tế (UINL) đã ứng dụng công chứng điện tử và đã đạt được những kết quả ấn tượng. Ở các quốc gia này, công chứng viên được trang bị công cụ hiện đại, làm việc rất hiệu quả.

"Chúng ta không thể đứng ngoài cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là đầy đủ và rõ ràng. Bây giờ không phải là lúc bàn việc có hay không chuyển đổi số công chứng mà cần bàn đến việc sẽ làm như thế nào. Việc sửa đổi Luật Công chứng là cơ hội tốt để thể chế hóa nội dung này. Chúng ta không thể chờ đến lần sửa đổi luật tiếp theo, vì sẽ chậm thêm hàng chục năm nữa", Phó Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam kiến nghị.

Ông Nguyễn Trí Hòa cho biết, Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo về chủ đề chuyển đổi số công chứng với một số quốc gia thành viên của Liên minh Công chứng quốc tế như Pháp, Đức, Nga, Uzbekistan… để tìm hiểu, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm.

Kết quả cho thấy ở các quốc gia này đều đã ứng dụng công chứng điện tử. Các quốc gia đã ứng dụng thành công đều rất sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam nếu có yêu cầu. Về phía ngành tư pháp, chúng tôi nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bộ Tư pháp về vấn đề này. Mặc dù vậy, việc chuyển đổi số hoạt động công chứng cũng còn những thách thức phía trước.

Chuyển đổi số công chứng: Nhu cầu cấp bách, xu thế tất yếu - Ảnh 2.

Tổng Thư ký Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam Đào Duy An: Công chứng VN có thể đúc rút được kinh nghiệm của các quốc gia khác và cơ hội ứng dụng những công nghệ mới nhất, hiệu quả nhất - Ảnh: VGP

Lợi thế người đi sau…

Theo Công chứng viên Trần Thị Hằng, Trưởng Văn phòng Công chứng Phan Thị Kim Cúc (TPHCM), thách thức lớn nhất khi chuyển đổi số hoạt động công chứng là về mặt nhận thức. Vì chuyển đổi số là vấn đề mới, không phải ai cũng có đầy đủ thông tin và hiểu biết để sẵn sàng ủng hộ chủ trương này. Trong những cuộc hội nghị, hội thảo gần đây, một số ý kiến đặt ra khi thực hiện chuyển đổi số công chứng vẫn là những lo lắng của hàng chục năm về trước, điều đó cho thấy việc tiếp cận thông tin và cập nhật về công nghệ đối với những người làm nghề công chứng còn tương đối hạn chế và đó chính là rào cản cho hoạt động chuyển đổi số công chứng.

Theo ông Đào Duy An, Tổng Thư ký Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, Thành viên Tổ biên tập Luật Công chứng (sửa đổi), công nghệ kỹ thuật số thay đổi rất nhanh chóng. Với sự phổ biến của công nghệ sinh trắc học, điện toán đám mây và đặc biệt là sự hình thành các cơ sở dữ liệu quốc gia, những vấn đề lo ngại về tính xác thực, mức độ an toàn dữ liệu, độ ổn định và độ bảo mật của hệ thống đã được giải quyết hiệu quả tại nhiều quốc gia trong liên minh công chứng Latinh (UINL).

Tại Việt Nam, Cổng dịch vụ công quốc gia đã có hơn 4.000 dịch vụ công trực tuyến được thực hiện, mức độ ổn định và hoàn thiện đã được cải thiện hơn rất nhiều. Điều đó cho thấy việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số một cách toàn diện vào hoạt động công chứng là việc khả thi.

"Chuyển đổi số công chứng tại Việt Nam diễn ra muộn hơn so với nhiều nước trên thế giới, nhưng đó cũng là lợi thế vì chúng ta có thể đúc rút được kinh nghiệm của các quốc gia khác, đồng thời có cơ hội ứng dụng những công nghệ mới nhất, hiệu quả nhất", Tổng Thư ký Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam nhìn nhận.

Theo đó, các quy định về hệ thống thông tin công chứng, công chứng điện tử và cơ sở dữ liệu công chứng toàn quốc là những nội dung quan trọng trong dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), tạo ra hành lang pháp lý cần thiết để chuyển đổi số toàn diện hoạt động công chứng, trang bị công cụ hiện đại để công chứng viên đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân cũng như hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động quản lý nhà nước về công chứng.

Mai Văn Dương

Mai Văn Dương

Manager

2 comments

Andy Anderson

Andy Anderson

March 12, 2022

Mary Williams

Mary Williams

March 12, 2022

Tell us what you think!

You are replying to Mary Williams. You can post a new comment instead.

Hãy liên hệ với chúng tôi qua Messenger